Bộ Công Thương mạnh tay loại bỏ thủ tục "hành" doanh nghiệp

Liên quan đến việc cắt giảm lượng lớn thủ tục, giấy phép con, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là cả một quá trình, qua rất nhiều vòng rà soát, lấy ý kiến doanh nghiệp, các hiệp hội, địa phương, không phải lấy con số để gây ấn tượng. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tái cơ cấu, tinh giản bộ máy, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hướng đến kinh tế thị trường.

Bộ Công Thương sẽ làm việc cùng một số bộ, ngành để tìm tiếng nói chung, tránh sự chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp. Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm suốt quá trình cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu chính phủ kiến tạo phát triển.

Nhưng việc Bộ Công Thương cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh cũng chỉ là lát cắt trong "ma trận" thủ tục hiện đang tồn tại ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước, gây cản trở, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản vốn được đánh giá có liên hệ mật thiết với nhiều ngành, nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Dù mới đây, trong nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng cho biết đã cắt giảm từ 93 xuống còn 46 thủ tục và thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm 25% so với trước. Chẳng hạn như thời gian phê duyệt quy hoạch không quá 15 ngày làm việc, thời gian cấp phép xây dựng giảm từ 7 đến 10 ngày, thời gian về kiểm tra nghiệm thu giảm 10 đến 20 ngày so với trước đây, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.


Tại buổi làm việc giữa Ban Kinh tế Trung ương và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây, đại diện phía doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị đơn giản hóa và rút ngắn quy trình phê duyệt để doanh nghiệp có thể sớm đưa dự án vào triển khai xây dựng. Theo đó, ngay sau khi dự án có phê duyệt quy hoạch 1/500, doanh nghiệp được xây dựng phần móng trước và trong quá trình thi công phần móng, sẽ song song xin cấp phép xây dựng phần thân.

Giải pháp "cấp phép giai đoạn" có thể tiết kiệm được từ 6 đến 12 tháng cho doanh nghiệp. Do đó, Sở Xây dựng cần sớm trình UBND TP.HCM xem xét vấn đề này, sau đó tiếp tục kiến nghị lên Bộ Xây dựng phê duyệt, bởi hiện nay, theo quy định chỉ những công trình đặc biệt hoặc cấp 1 mới được cấp phép theo giai đoạn.

Các nhà phát triển bất động sản cũng cho rằng, để cắt giảm thủ tục hành chính trong xây dựng, nên phân cấp cho chính quyền các đô thị lớn quyết định một số công đoạn. Đại diện của Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn bày tỏ quan điểm liên quan đến việc xây dựng công trình, theo đó, công đoạn thẩm tra thiết kế, kiểm tra nghiệm thu, các cơ quan ở TP.HCM đảm trách được, do đó nên bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải ra Hà Nội trình Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt để tiết giảm thời gian và chi phí.

Sau nhiều năm miệt mài kiến nghị, Bộ Xây dựng vừa rồi đã nới quy định: với những công trình 24 tầng trở xuống thì Sở Xây dựng được thẩm định (trước đây là 20 tầng), nhưng theo các nhà phát triển chung cư, với hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, ngoại trừ công trình đặc biệt thì những công trình khác đều có thể kiểm định chất lượng.

Khâu phê duyệt tiền sử dụng đất (doanh nghiệp phải đóng), thay vì phải có ý kiến xem xét của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính thì nên quy về một mối nhằm tránh trường hợp đơn vị này đồng ý nhưng khi chuyển sang cơ quan kia lại có ý kiến khác, khiến hồ sơ của doanh nghiệp bị trả lại để xem xét từ đầu. Điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và chi phí, đó là chưa kể gánh nặng lãi vay nếu doanh nghiệp vay ngân hàng để đầu tư xây dựng.

(TDQTuan cập nhật)Nguồn: Doanhnhansaigon.vn
 

Giới thiệu Doanh nghiệp